Lucid Thing
2 tháng trước
Rớt môn: Một thứ gì đó xấu và tiêu cực hay là chuyện như cơm bữa?
Xin kính chào quý anh chị,
Tết đã qua đi, và theo như kế hoạch năm, chúng ta sẽ sớm bước vào kỳ kiểm tra cuối kỳ.
Và cụm từ "rớt môn" có lẽ được nói đi nói lại nhiều lần.
Theo trải nghiệm của cá nhân tôi, chưa bao giờ mà cụm từ trên được nhắc nhiều như Đại học cả.
Cấp 1, 2, 3, cùng lắm là "dưới Trung bình", "dưới 5" và tôi thấy là hiếm người nói.
Có lẽ, vì đa số là được nâng đỡ một phần nào đó để thầy cô đạt KPI.
Nhưng ở Đại học (ở bài này khi tôi ghi là "Đại học" thì tôi nói chung đại học, không chỉ đích danh Đại học nào cả) vì không có KPI đó, nên điểm của anh chị là giữ nguyên.
7 điểm? OK, chấp nhận.
5 điểm? Hú vía đấy
4 điểm? "Rớt môn" là xác định.
Điểm của anh chị bao nhiêu không ảnh hưởng đến giáo viên không quan tâm đâu.
Nhưng lại có vài giáo viên tỏ vẻ "quan tâm" mà đi trêu trọc và nhắc đến cụm từ "rớt môn" với hàm ý tiêu cực.
Khiến cho nhiều sinh viên cũng làm theo và coi "rớt môn" là thứ gì đó xấu, tệ hại, vướng vô là bị mang tiếng.
Theo ý kiến cá nhân tôi thì "rớt môn" là một điều tầm thường như cơm bữa.
Bởi cuộc đời này không có chuyện thành công mãi được, phải có lúc lên lúc xuống.
Nền kinh tế còn phải lên xuống để điều hòa nữa huống gì con người.
Mấy ông mà chơi chứng khoán thì thấy thị trường chứng khoán lên xuống như con lắc chỉ trong 1 phiên là bình thường.
Có khi thị trường đang lên 1-2% mà 15 phút cuối phiên nó rớt cái rầm âm 2-3% là như cơm bữa.
Những người thành công, liệu họ chỉ có thành công trên hành trình?
Thực ra, định nghĩa "thành công" mỗi người một khác.
Có thể... nhiều tiền, đạt mục tiêu hoặc chỉ đơn giản bình an là đủ.
Ý tôi muốn nói, cái thứ gọi là "rớt môn" thường chỉ là một khoảnh khắc ở vùng đáy của hành trình.
Có thể do bất cẩn hay bỗng nhiên quên vài kiến thức "học thuật" (rối chả biết bao giờ áp dụng trong cuộc sống đời thường như phản ứng oxi hóa - khử)
Như là một vài phiên điều chỉnh của thị trường chứng khoán hoặc cổ phiếu.
Khi mà giá trị nội tại của bản thân, của thị trường, hay của công ty còn tốt, còn có tiềm năng phát triển thì "đâu lại vào đấy".
Ta sẽ "qua môn" đúng như năng lực thực sự bản thân, thị trường, cổ phiếu đi lên về đúng giá trị nội tại của nó.
Còn nếu bạn cảm thấy bản thân "ở vùng đáy quá lâu", thì vấn đề là ở chính "giá trị nội tại" bản thân.
Khi đó, bạn nên có biện pháp để tinh chỉnh lại bản thân ha.
Còn lại, "rớt môn" là một phần tất yếu. Tất nhiên nếu không bị thì tốt.
Nhưng sớm muộn gì thì bạn cũng phải "rớt môn" ở trường đời.
Ví dụ đơn giản nhất là trời lạnh cái bạn bị ho...
Thì đó là dấu hiệu mà trường đời muốn nói là: "Mày rớt môn chăm sóc sức khỏe bản thân rồi. Học lại đi"
Hoặc khi vừa mới nhận lương đầu tháng mà vài ngày sau hết sạch thì: "Đó, rớt môn quản lý tài chính cá nhân rồi, lo học lại đi"
Bởi có "rớt môn" thì bạn mới biết là bản thân cần phải bổ sung gì để duy trì và phát triển bản thân và cũng để tránh "rớt môn" lần nữa.
Theo những gì tôi biết, khi bạn "rớt môn" càng sớm càng tốt.
Bởi tuổi trẻ nếu "rớt môn" thì hậu quả không lớn, có thể làm lại vì thời gian còn nhiều, cùng lắm là ăn hôi gia đình thêm chút nữa.
Còn nếu đã lớn già, nếu "rớt môn" sẽ không còn thời gian để làm lại, và thường thì hậu quả là khá lớn.
Vì thế, thông qua bài viết này, tôi mong thầy cô Đại học không còn trêu đùa và gieo rắc tiêu cực lên đầu sinh viên về cụm từ "rớt môn".
Mà tôi nghĩ là không thầy cô nào rảnh để đọc bài viết này cả.
Nên tôi mong anh chị không làm thế như thầy cô. Và bình tĩnh làm bài kiểm tra.
Dù sao thì, điểm số không nói lên tất cả. Năng lực của anh chị không thể nào được biểu diễn chỉ với một con số được gọi là "điểm".
Như công ty vậy, phải bằng rất nhiều số ở nhiều khía cạnh khác nhau và thuyết minh trong báo cáo tài chính.
Vậy nên, mong anh chị coi "rớt môn" là điều hiển nhiên và là điều cần thiết để "qua môn".
Xin chân thành cảm ơn anh chị đã quan tâm.
Và chúc anh chị một năm có nhiều lần "rớt môn" và "qua môn" tương ứng.